02/08/2019

Mua nhà ở Long An đi làm ở TPHCM tại sao không ?

Khi giá nhà đất ở TPHCM ngày càng tăng cao, việc mua nhà đất ở các tỉnh lân cận như Long An hoàn toàn khả thi đối với người có thu nhập trung bình. Trong tương lai khi đường sá được đầu tư hoàn chỉnh việc sống ở Long An đi làm ở TPHCM không còn một khoảng cách quá xa.

Khoảng cách từ Long An đến quận 1 gần hơn từ Củ Chi 

Trong bối cảnh quỹ đất để xây các dự án nhà ở tại TP HCM ngày một khan hiếm, giá nhà đất cũng tăng cao, nhiều người có thu nhập trung bình đã tìm về các khu vực vùng ven như Long An để mua nhà ở. Tuy nhiên, khu vực Long An hạ tầng giao thông kết nối với TPHCM chưa tốt nên chưa thu hút được người dân dịch chuyển về khu vực này. 

Tại hội thảo “TPHCM - Long An: Kết nối phát triển”, do Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp với Câu lạc bộ Địa ốc Saigon Times tổ chức hồi tuần trước, các chuyên gia và nhà quản lý đã chỉ ra những hạn chế và cơ hội phát triển của Long An, đặc biệt là phát triển nhà ở cho người dân.

Nói về sự hạn chế của Long An, ông Nguyễn Thiềm, Phó chủ tịch Hội quy hoạch TPHCM  khuyến cáo việc phát triển bất động sản ở Long An cần chú ý khu vực Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức do nền đất thấp, nhiều sông rạch nên việc san lấp làm bất động sản giá thành cao. Chưa kể, khu vực này địa chất công trình yếu; nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm mặn và phèn, khó lấy cho cấp nước. Hiện tại Long An phải lấy nước rất xa  từ hồ Dầu Tiếng, tỉnh Tây Ninh. 

Một hạn chế nữa là phần lớn đất đai tại Long An được canh tác lúa nước, do vậy lấy đất để phát triển bất động sản rất khó khăn. Ngoài ra, các huyện ngoại thành TPHCM giáp ranh Long An vẫn còn nhiều vấn đề trong quy hoạch như nằm xa các đầu mối hạ tầng cùa vùng, các trục giao thông chính chưa được mở rộng, chưa có nhiều dự án hạ tầng phát triển nên việc kết nối rất khó khăn.

Tương tự, ông Phạm Lâm, Giám đốc Điều hành Công ty cổ phần DKRA nhận định, Long An có lợi thế giáp với TPHCM nếu tính về khoảng cách thì từ quận 1 đến Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc vào khoảng 25 km, trong khi từ quận 1 đến Củ Chi khoảng cách còn xa hơn. Như vậy, rõ ràng các huyện giáp ranh của Long An có lợi thế hơn.

Theo số liệu nghiên cứu của DKRA, năm 2017 khu vực Long An có nguồn cung rất lớn về nhà ở, với 12.000 sản phẩm được đưa ra thị trường. Năm 2018 ít hơn, với 11.000 sản phẩm. Còn 06 tháng đầu năm 2019, số dự án đưa ra thị trường chưa bằng 50% năm trước. Hiện nay, người mua nhà đất ở Long An chỉ tập trung ở huyện Đức Hoà, Cần Giuộc, Bến Lức. 

Ông Lâm đánh giá, bất động sản Long An đã tăng được rất nhiều nhưng hạ tầng gần như không cải thiện. Ví dụ trục đường từ Nguyễn Hữu Thọ – TPHCM đi xuống khu vực xã Long Hậu – Long An, nơi có rất nhiều dự án bất động sản nhưng giao thông hầu như không phát triển nhiều so với những năm trước đây. Điều này khiến cho độ hấp dẫn của thị trường giảm đi rất nhiều.

Nhìn nhận về dài hạn, ông Lâm cho rằng Long An phát triển nhà ở tại các huyện giáp với TPHCM là thuận lợi. “Tôi cho rằng về dài hạn 15 – 20 năm tới Long An nên tập trung phát triển nhà ở đối với các huyện giáp với TPHCM,  còn khu công nghiệp cần đưa ra các huyện xa hơn. Vì hiện nay công nghiệp ở Long An nằm rải rác ở các huyện, chỉ có công nghiệp duy nhất ở Đức Hòa là có quy mô lớn” ông Lâm đề xuất.

Các diễn giả thảo luận tại tại buổi toạ đàm

Ở Long An đi làm ở TPHCM 

Với những hạn chế mà các chuyên gia chỉ ra, bà Đặng Thị Thúy Hà, Phó giám đốc Sở xây dựng Long An, cũng thừa nhận, tỉnh Long An hiện còn thiếu các hạ tầng xã hội nên phát triển không bền vững, chưa thu hút được dân cư. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh sẽ chú trọng đầu tư các dự án bất động sản lớn, kiểm soát các dự án nhỏ lẻ để không phá vỡ quy hoạch. 

Để phát triển nhà ở thu hút dân cư về Long An, ông Nguyễn Thành Ngoãn, Phó giám đốc Sở GTVT Long An cho rằng cần tăng cường đầu tư hạ tầng, có hạ tầng đi lại thuận tiện thì người dân mới chuyển ra vùng ven. Ông cho biết, tỉnh Long An hiện có các công trình giao thông trọng điểm đang triển khai gồm: trục động lực TPHCM - Tiền Giang - Long An; đường 830 trục Đức Hòa - Bến Lức; đoạn Bến Lức đến quốc lộ 50; đoạn quốc lộ 50 sang cảng Tân Tập dự kiến tháng 4-2020 sẽ thông xe.

Bên cạnh đó, Long An sẽ đầu tư đường vành đai thành phố Long An gồm 4 đoạn, Long An đầu tư hai đoạn; hai đoạn còn lại sẽ kêu gọi đầu tư xã hội hóa.  Dự kiến quý 3-2020 sẽ hoàn thành 4 đoạn này.

“Đối với đường vành đai 3, TPHCM đoạn đi qua Long An thì tỉnh đã có đề xuất Bộ Giao thông Vận tải xin cơ chế đầu tư vành đai 3 theo hình thức BOT, nếu được Chính phủ chấp thuận Long An sẽ đầu tư” ông Ngoãn thông tin.

Tại hội thảo rất nhiều người quan tâm đặt câu hỏi đến việc phát triển thành phố Tân An của Long An, bà Đặng Thị Thúy Hà cho biết, cuối năm nay, thành phố Tân An sẽ lên đô thị loại 2. Hiện nay, các tiêu chí đáp ứng đô thị loại 2 của Tân An đã làm xong và đang chờ phê duyệt. Về việc phát triển nhà ở đối với các huyện giáp TPHCM, bà cho rằng việc phát triển nhà ở vùng ven theo hướng người dân ở Long An có thể đi làm ở TPHCM và đi về trong ngày giữa chỗ ở và nơi làm thì sẽ tiện hơn.

Trong 3 năm qua, nhiều nhà đầu tư đã đầu tư nhiều đô thị quy mô lớn ở các huyện giáp ranh TPHCM như Đức Hòa, Bến Lức…Trong thời gian tới các dự án hạ tầng kết nối với TPHCM được mở rộng sẽ thu hút lượng lớn người dân về đây sinh sống. Hiện nay, giá nhà đất ở Long An vẫn ở mức phù hợp với người thu nhập trung bình nên về dài hạn việc sinh sống ở Long An đi làm ở TPHCM là hoàn toàn khả thi./

(Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị)