07/06/2018

Hứa hẹn “mùa vàng” M&A bất động sản

Nở rộ thương vụ bom tấn

Ngay từ đầu năm, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã mở hàng M&A bất động sản 2018 bằng một thương vụ đình đám khi chi số tiền lớn cho Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long để nắm giữ 50% vốn của Liên doanh An Khánh JVC, chủ đầu tưsở hữu Dự án Khu đô thị Splendora có tổng diện tích 264 ha, tổng vốn đầu tư trên 2 tỷ USD.

Đầu quý II/2018, Tập đoàn Vingroup cho biết, Công ty Vinhomes và một công ty thành viên khác đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư GIC Private Limited của Chính phủ Singapore. Theo đó, GIC sẽ đầu tư 1,3 tỷ USD (khoảng 29.500 tỷ đồng) dưới 2 hình thức là đầu tư mua cổ phần của Vinhomes và cung cấp một công cụ nợ cho Vinhomes để thực hiện các dự án.

Ngoài 2 thương vụ “khủng” trên, những tháng đầu năm 2018 còn ghi nhận hàng loạt thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản. 

Rất có thể, các thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản năm 2018 sẽ vượt mức 2 tỷ USD của năm 2017.

Cuối tháng 4/2018, Tập đoàn Nam Long cùng 2 nhà đầu tư hàng đầu Nhật Bản là Hankyu Hanshin Properties Corp và Nishi Nippon Railroad đã ký kết hợp tác cùng góp vốn theo tỷ lệ 50 - 50 để thực hiện Dự án Khu đô thị Akari Bình Tân, với tổng vốn đầu tư 7.676 tỷ đồng. 

Một nhà đầu tư khác đến từ Nhật Bản là Nomura Real Estate đã thâu tóm 24% giá trị tòa nhà Sunwah Tower (tại quận 1, TP.HCM). Trong khi đó, Frasers Property (Australia) chi 18 tỷ USD mua lại 75% cổ phần của Phú An Khang, Công ty con của Tập đoàn Trần Thái; Strategic Hospitality Reit (Thái Lan) thâu tóm 2 dự án Capri by Fraser và BIS Nam Sài Gòn tại quận 7, TP.HCM...

Công ty nghiên cứu thị trường JLL cho biết, trong quý I/2018, M&A bất động sản đã đạt quy mô khoảng 200 triệu USD và dự báo, hoạt động này còn tăng cao trong các quý tới.

“Với nhiều yếu tố thuận lợi, dự báo quy mô các thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản năm 2018 sẽ tương đương năm 2017 (2 tỷ USD) hoặc có thể hơn”, ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc AVM Vietnam & Vietnam M&A Forum nhận định.

Khối ngoại lèo lái thị trường

Một xu thế khá nổi bật trên thị trường những tháng đầu năm 2018 là sự tham gia mạnh mẽ của khối ngoại với vai trò là bên mua.

Lý giải điều này, JLL cho rằng, khi tín dụng cho vay dự án bị thắt chặt, các chủ sở hữu quỹ đất không dễ dàng tiếp cận nguồn vốn để có thể thực hiện dự án. Đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư lớn của nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh. Trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, bất động sản tại Việt Nam là miếng bánh béo bở thu hút nguồn vốn trong ngắn hạn và trung hạn.

“Việt Nam là một thị trường mới nổi có mức tăng trưởng vượt bậc so với các nơi khác trong khu vực. Hàng trăm triệu USD đang chờ đợi để đổ vào thị trường trong nước ở hầu hết các phân khúc, bao gồm nhà ở, văn phòng, bán lẻ, khách sạn và khu công nghiệp”, ông Stephen Wyatt, đại diện cấp cao của JLL tại Việt Nam nhận định.

Ông Eric N Solberg, Chủ tịch và Giám đốc điều hành EXS Capital, cho biết, các quỹ đầu tư nước ngoài hiện không chỉ tập trung vào phân khúc bất động sản hạng sang, mà còn phát triển sang các phân khúc khác, như văn phòng cho thuê, bất động sản bán lẻ và nhà ở vừa túi tiền.

Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Phương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Tiến Phước, lợi thế của các doanh nghiệp Việt Nam là nắm vững thị trường trong nước, có quỹ đất và mạnh về pháp lý, còn các nhà đầu tư nước ngoài mạnh về tài chính, phát triển dự án... Khi cùng tham gia, các bên tận dụng được thế mạnh của đối tác để tăng cạnh tranh.

“Đó chính là lý do mà thị trường M&A bất động sản thời gian qua khá sôi động và sẽ bùng nổ trong thời gian tới”, bà Phương nhận xét.

Có thể thấy, xu hướng vốn ngoại chảy vào thị trường bất động sản Việt Nam qua các thương vụ M&A đã phản ánh đúng thực tế thị trường. Đó là thị trường có nền kinh tế tăng trưởng ổn định, sự gia tăng nhanh của tầng lớp trung lưu, sự hoàn thiện các khung pháp lý, cơ chế chính sách thông thoáng, hạ tầng giao thông ngày càng tốt hơn… Theo xu hướng này, rất có thể, các thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản năm 2018 sẽ vượt mức 2 tỷ USD của năm 2017.

Hữu Tuấn
(Nguồn: Báo Đầu Tư)