28/06/2018

Bất động sản Việt Nam thu hút nhà đầu tư Nhật Bản

Sức hấp dẫn từ dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh đã thu hút các nhà đầu tư ngoại rót vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản. Ảnh: Hòa Thuận

Số lượng các nhà đầu tư Nhật Bản đến tìm cô hội đầu tư đang tăng lên nhanh chóng, không còn dừng lại ở các thương vụ hợp tác với một vài doanh nghiệp trong nước như Nam Long hay Tiến Phát như đã thấy thời gian vừa qua.

Mới đây, Công ty bất động sản Nomura trụ sở tại Shinjuku (Tokyo) công bố mua 24% cổ phần tòa nhà Sun Wah Tower tọa lạc ngay trung tâm quận 1, TP HCM. Đây là cao ốc văn phòng hạng A đầu tiên Nomura rót vốn đầu tư tại khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Một doanh nghiệp khá mới mẻ trên thị trường bất động sản là Tập đoàn TWG (TWGroup Corporation) cũng ký kết hợp tác chiến lược cùng Tập đoàn Hinokiya Nhật Bản để cùng đồng hành trong các dự án đầu tư tại Việt Nam.

Khởi điểm của việc ký kết hợp tác chiến lược này là việc bắt tay thực hiện dự án đầu tiên trong lĩnh vực bất động sản với ý tưởng nhà ở kiểu Nhật. Theo kế hoạch, dự án này sẽ ra mắt thị trường vào năm 2019.

Đây là dự án nhà ở thấp tầng chuẩn Nhật Bản, có quy mô 9,7ha tại TP.HCM. Dự án được chia làm nhiều giai đoạn với số lượng nhà thấp tầng khoảng 300 căn. Hinokiya sẽ đem vốn và công nghệ để cùng TWG phát triển dự án này.

Trước đó, vào tháng 4/2018, Tập đoàn Nam Long công bố hợp tác với hai nhà đầu tư Nhật Bản là Hankyu Hanshin Properties Corp và Nishi Nippon Railroad để phát triển dự án Akari City có diện tích 8,5ha tại quận Bình Tân. Trước đó, Nam Long đã bắt tay hợp tác với nhà đầu tư Nhật để thực hiện các dự án Mizuki Park với quy mô lên đến 26 ha,  Kikyo Residence, Flora Sakura hay Fuji Residence.

Hồi đầu năm, Tập đoàn khách sạn Mikazuki của Nhật Bản đã công bố kế hoạch đầu tư 100 triệu USD vào một dự án ở Đà Nẵng.

Ở khu Nam, Tập đoàn Sanyo Homes, một tên tuổi nổi tiếng với 50 năm phát triển các dự án bất động sản tại Nhật Bản, cũng đã bước chân vào thị trường với dự án căn hộ Ascent Lakeside thông qua sự hợp tác với Công ty bất động sản Tiến Phát. Không ít doanh nghiệp Nhật Bản khác cũng đầu tư vào Việt Nam với các dự án hạ tầng đô thị lớn như Shimizu, Hitachi, Sumitomo Construction… Hình thức đầu tư có thể mua cổ phần, góp vốn hoặc cho vay để phát triển dự án.

Nghiên cứu của công ty tư vấn bất động sản JLL Việt Nam, bắt đầu từ năm 2014-2016 xuất hiện xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài quan sát, chú ý đến các dự án bất động sản trên thị trường Việt Nam và dòng chảy vốn đầu tư tập trung rất nhiều, trong đó nổi bật nhất vẫn là các nhà đầu tư đến từ khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.

Theo số liệu từ Cục đầu tư nước ngoài (Bộ kế hoạch và Đầu tư), trong 5 tháng đầu năm 2018, Nhật Bản đứng thứ hai trong số 86 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Tổng vốn FDI đăng ký của các nhà đầu tư Nhật Bản xấp xỉ 1,52 tỉ USD, chiếm 15,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Chia sẻ về lý do đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam ở thời điểm hiện tại, ông Akira Kondo, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hinokiya, cho biết Hinokiya nhận thấy kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, thu nhập của người dân đang ngày một tăng lên nên càng có nhiều người muốn mua hoặc xây cho mình một căn nhà mới. “Điều này tương tự như Nhật Bản trong 30 đến 40 năm trước nên chúng tôi nghĩ rằng đây là một thị trường có tiềm năng tốt”, vị này chia sẻ.

Tương tự, tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc đầu tư Savills Việt Nam cũng nhận định rằng, đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, thị trường Việt Nam được chú ý bởi sức hấp dẫn từ dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh và đẩy mạnh xu hướng đầu tư văn phòng và gần đây là sự tham gia vào lĩnh vực bất động sản nhà ở.

Ông Khương lý giải, tốc độ phát triển của nền kinh tế và nguồn lao động dồi dào chính là những nguyên nhân thuyết phục các công ty Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào mảng văn phòng, với những kỳ vọng vào khả năng phát triển lâu dài, bền vững của dự án.

Theo CafeLand.vn